Skip to content

Nếu Bạn chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ viết gì trong CV

Written by

magzinedes

Nếu Bạn chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ viết gì trong CV? Đây là một số mẹo cực hữu ích dành cho bạn đây

Khi bạn vẫn chưa trải qua những sự va chạm và không có nhiều kinh nghiệm thực tế, bạn luôn cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ trong quá trình tìm việc làm, nhất là trong khoảng viết CV, vì bạn chẳng biết nên đưa điều gì vào đơn xin việc của mình. Đúng vậy, đây là một tình trạng rất phổ biến đối với rất nhiều người, và ai cũng sẽ một lần trải qua điều đó. Nếu bạn vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm thì cũng không sao cả, bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một số mẹo hữu ích trong quá trình viết CV và bạn nên làm gì với “lỗ hỏng kinh nghiệm” của mình.

Tạo một CV khi bạn chưa có kinh nghiệm

Trong trường hợp này,  ngay phần mở đầu của CV,  bạn nên có một sự trình bày tóm tắt về những lợi ích mà bạn có thể mang lại cho công ty nếu như họ quyết định tuyển dụng bạn (khoảng 3,4 câu) bằng cách nêu lên những kỹ năng/điểm mạnh và trình độ chuyên môn của bạn, ngoài ra, bạn cũng  nên tinh tế chọn lựa những kỹ năng/điểm mạnh mà có một chút “khớp” với yêu cầu công việc. Câu văn cần ngắn gọn, súc tích, tránh diễn giải dài dòng.

Tiếp theo đó, hãy trình bày về trình độ học vấn của bạn, hoặc nếu bạn có bất kỳ thành tích gì trong quá trình học tập (về một cuộc thi hoặc thành tích học tập cụ thể) , đừng ngần ngại mà thể hiện nó ra nhé, vì đây có thể là yếu tố quan trọng để bạn được cân nhắc cho vị trí ứng tuyển đấy.

Mục “kinh nghiệm” trong đơn xin việc của bạn

Đây chắc hẳn là phần khiến bạn cảm thấy lo lắng nhất. Vì bạn chưa có kinh nghiệm nhưng bạn lại không thể bỏ trống nó. Tuy nhiên, bạn có thể “khỏa lấp” cho nó bằng những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống mà bạn đã từng trải qua hoặc bạn đã học hỏi được những gì sau quá trình thực tập/đi thực tế tại các đơn vị doanh nghiệp chẳng hạn. Hãy cho nhà tuyển dụng biết được bạn đã trải qua những gì, nắm bắt được những điều gì sau các dự án/bài thuyết trình/luận văn khi còn ngồi trên giảng đường đại học, bạn đã làm việc nhóm hiệu quả thế nào, thành tựu gì bạn có được. Rất nhiều thứ bạn có thể liệt kê vào để thay thế cho kinh nghiệm thực tế mà bạn thiếu sót.

Thêm vào đơn xin việc của bạn các kỹ năng sống

Bạn đã từng giữ chức vụ gì khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bí thư/Cán bộ/Hội trưởng hội học sinh hoặc bất cứ gì bạn đều có thể trình bày trong đơn xin việc của mình. Bạn có từng tham gia tình nguyện hoặc lớp kỹ năng sống nào hay không? Bạn học được những điều bổ ích gì từ các hoạt động đó. Bạn đã được tín nhiệm ra sao trong suốt quảng thời gian học tập của mình? (Bạn được tập thể lớp/khoa bổ nhiệm một vị trí quan trọng nào đó) Hãy cho nhà tuyển dụng biết được điều đó nhé.

Điều cuối cùng cũng không kém phần quan trọng chính là trình bày  CV của bạn thật đẹp mắt. Con người ta vẫn chuộng những thứ “hào nhoáng”  hơn là một bài diễn văn quá khô khan, cho nên, đừng ngại dành chút thời gian của bạn để trình bày hồ sơ xin việc thật đẹp mắt nhé, nó sẽ giúp bạn ghi được điểm đầu tiên trong mắt nhà tuyển dụng đấy.

Bằng các mẹo cơ bản bên trên hi vọng sẽ phần nào giúp các bạn thiếu kinh nghiệm thực tế trở nên tích cực hơn trong việc hoàn thiện đơn xin việc cho mình. Có rất nhiều yếu tố để đánh giá khả năng phù hợp của một ứng viên đối với công việc chứ không chỉ thông qua duy nhất “kinh nghiệm thực tế” của họ. Con đường đi của bạn có lẽ sẽ dài hơn so với người khác, nhưng quan trọng là bạn vẫn có thể đi đến đích cuối cùng.

Previous article

Một Đơn Xin Việc Ấn Tượng – Chìa Khóa Thành Công Trong Thị Trường Việc Làm Việt Nam

Next article

Làm thế nào để CV của bạn trở nên “khác biệt”, tìm hiểu ngay